Những rủi ro tiềm ẩn đối với trẻ em trên không gian mạng
Mạng Internet mang lại nhiều lợi ích và cơ hội lớn cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, thiết lập không gian giải trí, tăng cường tương tác xã hội, tạo môi trường chia sẻ kết nối… Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tinh thần, hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như: bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo, bị quấy rối trên mạng, nghiện game online, xem các ấn phẩm không phù hợp, đối mặt với các thông tin sai lệch, hay thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng, bị lôi kéo tham gia những thử thách nguy hại đến tính mạng…
Thực tế, trên môi trường mạng hiện nay, các công ty bảo mật đã phát hiện nhiều mã độc, phần nhiều là liên quan đến các ứng dụng cho trẻ em. Những nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi. Nếu chỉ nhìn thoáng qua, phụ huynh sẽ chỉ thấy là con đang xem điện thoại, tivi, máy tính... từ đó mà quên mất sự cảnh giác. Những cái "tặc lưỡi" dễ dàng, những sự kiểm duyệt qua loa và cả sự thiếu hiểu biết của bố mẹ về thế giới mạng vô tình đã để con mình tiếp cận mỗi ngày với cái xấu mà không hay biết.
Nhiều nội dung độc hại với trẻ em được lồng ghép rất tinh vi trong các video, trò chơi online. (Ảnh minh họa: Internet)
Bên cạnh đó, mạng Internet còn là mảnh đất "màu mỡ" để nhiều đối tượng lợi dụng truyền bá tư tưởng độc hại, tác động xấu đến nhận thức của trẻ em.
Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), thời gian vừa qua cơ quan này đã nhận được khá nhiều thắc mắc, đặc biệt, là các cuộc gọi liên quan tới vấn đề xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời cũng đã có những cuộc gọi để phản ánh về những kênh, các clip có nội dung không phù hợp với trẻ em trên mạng. Những thông tin này đã nhanh chóng được Tổng đài 111 chuyển đến các cơ quan chức năng để ngay lập tức xử lý.
Đặc biệt, trong gần 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến hoạt động học trực tuyến trở thành xu thế mới. Trong thời gian học sinh không thể đến trường vì dịch bệnh, các địa phương, cơ sở giáo dục, đào tạo đã tích cực triển khai việc dạy và học qua Internet. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đã xảy ra hiện tượng kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học/phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, phản cảm, phản giáo dục... đặc biệt có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối, bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng; gây mất an toàn và tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Từ thực tế trên cho thấy, những tác động và ảnh hưởng từ "thế giới ảo" đang ngày càng gia tăng và nguy hiểm. Trẻ em có thể là nạn nhân, người đón nhận, người tham gia hoặc người khởi xướng các hành vi có nguy cơ bị xâm hại trên Internet. Do đó, vấn đề đảm bảo an toàn không gian mạng cho trẻ em đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia học và vui chơi giải trí trực tuyến
Đại dịch COVID-19 bùng phát, giảng dạy và học tập trực tuyến trở thành xu thế không thể đảo ngược, đồng nghĩa thời gian trẻ em và thanh thiếu niên tiếp xúc với môi trường mạng hằng ngày tăng mạnh.
Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trong dạy và học theo hình thức trực tuyến, ngay từ thời gian đầu triển khai việc dạy và học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản gửi các sở GD&ĐT, các nhà trường yêu cầu việc tuân thủ các quy định của Luật An toàn thông tin (ATTTT) mạng, Luật An ninh mạng và các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo đó, để việc dạy - học trực tuyến bảo đảm chất lượng, hiệu quả và ATTT, các trường học, giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến cần lựa chọn sử dụng các giải pháp phần mềm trực tuyến có bản quyền được phát triển, cung cấp từ các doanh nghiệp uy tín; không nên sử dụng phần mềm miễn phí có các lỗ hổng bảo mật để tránh việc tin tặc có thể cài đặt quảng cáo, mã độc, vi rút gây ra khả năng mất an toàn thông tin, đánh cắp dữ liệu hoặc truyền bá thông tin xấu, độc hại.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh kỹ năng nhận biết, phòng tránh các nguy cơ mất ATTT khi sử dụng các phần mềm trực tuyến và thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng… Đồng thời, tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm, không chia sẻ thông tin về phòng học trực tuyến (ID, mật khẩu) để tránh các trường hợp bị kẻ xấu theo dõi, phá hoại trên các phần mềm học trực tuyến...
Đối với phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian con em tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.
Bên cạnh việc học tập, thì vui chơi giải trí trên môi trường Internet cũng đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo về đảm bảo an toàn đối với trẻ em. Nhiều người nghĩ thanh thiếu niên hay trẻ em ngày nay đang ở trong thời đại công nghệ nên họ sử dụng những sản phẩm công nghệ thành thạo hơn rất nhiều những lớp người đi trước. Thật vậy, đến ngay cả một đứa trẻ cũng có thể sử dụng điện thoại và máy tính bảng nhanh hơn cả người lớn. Tuy nhiên, để tham gia môi trường mạng an toàn, các em cần phải được học cách lên mạng trực tuyến một cách an toàn cũng như biết cách xử lý khi phát sinh vấn đề trên mạng.
Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em khi tham gia trên không gian mạng, tránh những hệ quả xấu có thể xảy ra. (Ảnh minh họa: saozone.net)
Trẻ em từ khi bắt đầu sử dụng mạng Internet là đã bắt đầu trở thành một công dân số, tiếp cận với cả lợi ích và những rủi ro trên mạng như bất kỳ một công dân nào. Để có sức đề kháng với những rủi ro tiềm ẩn, bản thân trẻ em cần được trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để trở thành công dân của thế giới số.
Ngay từ nhỏ, các em cần được hướng dẫn những kỹ năng để truy cập vào môi trường mạng một cách an toàn, giúp các em có thể tự bảo vệ chính mình. Điều này đòi hỏi một quá trình lâu dài, "mưa dầm thấm lâu" để những kiến thức đó trở thành kỹ năng sống cho các em. Đó chính là cách để trẻ tự tạo ra "vắc-xin" kháng lại những nguy hiểm trên môi trường mạng.
Tham gia vào công cuộc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội cũng đã nỗ lực để biên soạn rất nhiều các tài liệu mẫu, cẩm nang, clip hướng dẫn cha mẹ có thể tìm hiểu và đọc từ các nguồn chính thống, đặc biệt trên Website và Facebook Page của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình vì trẻ em... Nếu có bất kỳ khúc mắc gì, cha mẹ có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia 111 miễn phí 24/7, ngoài ra có ứng dụng 111 cũng có thể tải về, tin nhắn trên Facebook Page của Tổng đài quốc gia 111 hay Zalo 111. Rất nhiều kênh để cha mẹ có thể tìm hiểu, học hỏi, nhờ tư vấn và báo cáo để hỗ trợ bảo vệ con em mình.
Theo các chuyên gia, trẻ em và gia đình cần học hỏi các kiến thức và kỹ năng số thiết yếu. Những quy định về hành vi, chuẩn mực trong cuộc sống thật cũng nên được áp dụng cho môi trường ảo để các em có thể trở thành những công dân số chuẩn, có trách nhiệm.
Bên cạnh đó, nhằm góp phần bảo đảm bảo an toàn cho trẻ trên không gian mạng, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về vấn đề này.
Cụ thể, những mẹo công nghệ giúp cha mẹ bảo vệ trẻ trên môi trường mạng: Cài đặt chế độ kiểm soát của cha mẹ; Bật tính năng Tìm kiếm An toàn trên trình duyệt; Cài đặt bảo mật riêng tư nghiêm ngặt trên các ứng dụng và trò chơi trực tuyến; Che/tắt webcam khi không sử dụng.
Tạo lập thói quen trực tuyến và an toàn: Khuyến khích trẻ tham gia xây dựng các quy định trong gia đình về sử dụng thiết bị lành mạnh; Hướng dẫn trẻ cách giữ kín thông tin cá nhân; Tạo lập các khoảng không gian, thời gian không có thiết bị trong nhà (ăn, ngủ, chơi, học); Nhắc nhở trẻ rằng những gì đăng tải lên môi trường mạng sẽ không thể thu hồi (tin nhắn, hình ảnh và video).
Dành thời gian với trẻ trên mạng: Cùng trẻ khám phá các trang web, trang mạng xã hội, trò chơi và ứng dụng; Nói chuyện với trẻ đặc biệt trẻ lứa tuổi "teen" về cách báo cáo những nội dung không phù hợp.
Việc giao tiếp cởi mở với con sẽ góp phần giúp trẻ an toàn: Nói với con rằng nếu con có trải nghiệm trên mạng khó chịu, không thoải mái hoặc sợ hãi… thì có thể nói chuyện với bố mẹ; Chú ý đến các dấu hiệu phiền muộn ở trẻ, đặc biệt các biểu hiện như thu mình, buồn bã, giữ bí mật, bị ám ảnh bởi các hoạt động trực tuyến; Tạo mối quan hệ tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ thông qua hỗ trợ và động viên, khích lệ. Mỗi đứa trẻ là duy nhất và giao tiếp theo những cách khác nhau, vì vậy cần điều chỉnh thông điệp cho phù hợp với nhu cầu, đặc điểm riêng của con mình.
Nguồn: Sưu tầm