1. Ý nghĩa và tầm quan trọng việc giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non
Chủ đề giao thông cho trẻ mầm non là vấn đề cấp bách được nhiều cơ sở giáo dục đưa vào chương trình giảng dạy. Như thế, trẻ ngay từ bé đã được phổ biến những hiểu biết thiết thực về luật lệ giao thông. Việc này có nhiều ý nghĩa như:
- Dạy con tham gia giao thông an toàn: Trẻ được trang bị các kiến thức đầy đủ sẽ phát triển ý thức tham gia giao thông đúng đắn. Từ đó giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy ra khi con đi học, đi chơi… mà không có người lớn.
- Tạo cho con thói quen tốt từ nhỏ: Trẻ sẽ ghi nhớ và hình thành thói quen chấp hành luật lệ giao thông ngay từ nhỏ nếu được giáo dục kỹ càng.
- Hình thành ý thức kỷ luật, tuân thủ nguyên tắc: Trẻ phát triển được lối sống kỷ luật và nguyên tắc hơn. Đây là tiền đề quan trọng cho quá trình phát triển của trẻ sau này.
- Biết bất bình, phê phán những hành vi sai: Trẻ có ý thức về hành động đúng, sai khi tham gia giao thông. Từ đó mạnh dạn phê bình những hành vi sai trái và tránh phạm phải lỗi sai tương tự.
- Biết quan tâm và hỗ trợ người khác: Trẻ có thể giúp người lớn qua đường, nhắc nhở khi bố mẹ mất cảnh giác, …. Việc này giúp trẻ nhận được sự yêu mến từ mọi người, đồng thời tự tin và cẩn thận hơn khi tham gia giao thông.
2. Mục tiêu việc giáo dục an toàn giao thông cho trẻ trong độ tuổi mầm non
Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non giúp chuẩn bị cho con những kiến thức cần thiết, phục vụ cho quá trình phát triển của con sau này. Cụ thể, chuyên đề dạy trẻ mầm non về an toàn giao thông sẽ nhắm tới những mục đích sau:
Về kiến thức:
- Phân biệt được một số loại phương tiện giao thông, biển báo giao thông
- Nhận biết được một số dịch vụ công cộng khi tham gia giao thông
- Nắm vững kiến thức về các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông
Về kĩ năng:
- Phân biệt được hành vi đúng, sai khi tham gia giao thông
- Thực hiện được những quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông
- Thực hiện được những hành vi văn minh khi tham gia giao thông
Về thái độ:
- Hình thành ý thức nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông
- Nhiệt tình tham gia các hoạt động với chủ đề an toàn giao thông mầm non tại trường, tại nhà
- Mạnh dạn phê phán những hành vi không chấp hành luật lệ giao thông
3. Phương pháp giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non hiệu quả nhất
Để giúp trẻ dễ dàng tiếp thu các kiến thức về an toàn về giao thông, nhà trường và phụ huynh cần kiên nhẫn giải thích, thực hành cùng trẻ trong suốt quá trình học. Sau đây là một số phương pháp giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non dễ dàng áp dụng:
3.1. Dạy trẻ về các phương tiện giao thông
Ba mẹ hãy hướng dẫn con nhận biết được những phương tiện giao thông thông dụng như xe máy, xe đạp, xe hơi, … bằng việc sử dụng các hình ảnh từ sách truyện, thẻ flashcard hay video. Chúng giúp trẻ dễ dàng nắm được đặc điểm, công dụng riêng của từng loại phương tiện. Đồng thời cho con thực hành thường xuyên khi đi học, đi chơi để dễ dàng ghi nhớ.
3.2. Cho trẻ làm quen với biển báo và tín hiệu đèn giao thông
Biển báo và tín hiệu đèn giao thông là hai thứ bắt buộc phải nhớ khi tham gia giao thông. Vì vậy, giáo viên và phụ huynh nên dạy trẻ nhận biết, gọi tên tín hiệu đèn, biển báo giao thông trong quá trình học. Đồng thời nhớ được công dụng của từng loại tín hiệu và biển báo, như: đèn xanh được đi, đèn đỏ dừng lại, đèn vàng đi chậm.
Độ tuổi này của bé chưa thích hợp để ghi nhớ những quy định về an toàn giao thông phức tạp. Vì thế, ba mẹ chỉ nên trang bị cho con những kiến thức đơn giản về biển báo như vỉa hè cho người đi bộ, vạch kẻ sang đường và một số biển báo cấm, biển chỉ dẫn khác.
3.3. Dạy trẻ tham gia giao thông đúng thông qua các tình huống thực tế
“Học đi đôi với hành” luôn là phương pháp giảng dạy khoa học và hiệu quả. Chính vì thế, các bậc phụ huynh nên cho con trải nghiệm tham gia giao thông thực tế, song song với phổ cập những kiến thức cần biết về an toàn giao thông mầm non. Phương pháp này có thể được áp dụng ngay từ hoạt động quen thuộc hằng ngày. Chẳng hạn như cho con gọi tên hiệu lệnh đèn giao thông, không được tự ý chạy ra đường khi đi chơi, đi học.
3.4. Giúp trẻ trải nghiệm tham gia giao thông thực tế
Nhà trường và phụ huynh giúp trẻ hiểu sâu hơn về an toàn giao thông bằng những trải nghiệm tham gia giao thông thực tế. Ba mẹ có thể đưa ra kịch bản an toàn giao thông mầm non để dạy trẻ tuân thủ tín hiệu đèn, nhận biết nội dung của biển báo, …. Từ đó, giúp con phát triển được ý thức tham gia giao thông đúng đắn, bảo vệ an toàn cho bản thân.
3.5. Tổ chức các trò chơi về an toàn giao thông cho trẻ
Trẻ ở độ tuổi mầm non thường có xu hướng ghi nhớ kiến thức thông qua vui chơi. Theo đó, các cô tại trường thường xuyên tổ chức các trò chơi về giao thông mầm non cho trẻ như cho bé đóng vai người tài xế tham gia giao thông, ứng phó với tình huống đèn đỏ, đèn xanh, …. Việc làm này giúp khắc sâu những kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông đã học cho trẻ.
3.6. Dạy bé vẽ tranh, văn nghệ, bài thơ về chủ đề an toàn giao thông
Vẽ tranh, văn nghệ là các hoạt động vui chơi thường diễn ra tại các trường mầm non. Thực tế, đó có thể là cơ hội để trẻ tiếp thu kiến thức từ phương pháp giáo dục an toàn giao thông cho trẻ mầm non dễ dàng hơn. Ba mẹ và giáo viên có thể dạy con những bài hát giao thông mầm non, dạy con vẽ tranh theo chủ đề an toàn giao thông. Qua đó hiểu được mức độ nhận biết của trẻ về chủ đề này, đồng thời trẻ có thể ghi nhớ sâu hơn những kiến thức đã học.